Nếu ví một hình ảnh có giá trị tương đương một nghìn từ, thì một logo sẽ có giá trị như một nghìn trang.
Nghe qua thì có vẻ hơi quá, nhưng chân lý ấy khá đúng trong trường hợp này. Logo không chỉ đơn giản là sự kết hợp giữa các chữ cái, hình dạng và màu sắc mà đó còn là biểu tượng giúp truyền tải tính cách thương hiệu của bạn, các giá trị mà bạn đại diện và mục tiêu của doanh nghiệp bạn, đến với công chúng. Nó giúp bạn kết nối với những người bạn muốn gọi là “khách hàng”.
Nói cách khác, logo sẽ có tác động lớn đến sự sống và sự thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, bạn cần nên biết làm thế nào để tạo ra một logo nổi bật giúp bạn tạo ấn tượng với khách hàng.
Áp lực đang dần đè nặng lên đôi vai bạn đúng không? Nhưng đừng lo lắng ! Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước một. Sau khi đọc qua hướng dẫn này, bạn sẽ biết cách tạo ra một logo phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu, truyền cho bạn cảm hứng tự tin và sẽ trở thành đại sứ cho thương hiệu của bạn.
1. Hiểu rõ đối tượng mục tiêu
Bạn nên nghĩ về logo của mình giống như việc chọn lựa trang phục mà bạn sẽ mặc trong một bữa tiệc, mà ở nơi đó có khách hàng, nhà đầu tư và các đồng nghiệp. Trang phục này cần gọn gàng, sạch sẽ, nhưng nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt thì nó cũng phải trông vừa mắt người đối diện. Bạn sẽ không mặc đồ vest để đi picnic hoặc sẽ không mặc quần đùi để đi dự đám cưới (và nếu bạn thử làm điều đó, bạn sẽ được yêu cầu rời đi một cách lịch sự đấy).
Giả sử các nhà đầu tư là kiểu người thoải mái, phóng khoáng, không quan trọng chuyện ăn mặc, nhưng khách hàng của bạn lại khá nhút nhát và e dè, thì một bộ trang phục kỳ quặc hay đáng sợ sẽ khiến họ không muốn đến gần và trò chuyện với bạn, cho dù bạn có xinh đẹp cỡ nào.
Quay trở lại vấn đề chính, bởi vì ấn tượng đầu tiên về logo sẽ định hình cách nghĩ của các khách hàng tiềm năng về thương hiệu của bạn, do đó, nó cần được hướng đến đúng người. Logo chính là cầu nối giúp bạn đến gần hơn với công chúng, và để làm được điều đó, bạn cần biết khách hàng của mình thích và không thích điều gì. Vì vậy, trước khi bắt tay vào thiết kế logo, bạn cần phải xác định được đối tượng mục tiêu của mình.
Ví dụ, nếu một người cần thuê một luật sư chuyên nghiệp, họ sẽ không tìm kiếm các văn phòng luật có logo bao gồm các màu sắc sặc sỡ hoặc phông chữ kì lạ. Tương tự như vậy, một thương hiệu đồ chơi trẻ em có logo màu tối và thiết kế tối giản có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tăng doanh thu. Với ý nghĩ này, hãy bắt đầu bằng cách xác định rõ đối tượng khách hàng chính mà doanh nghiệp của bạn sẽ phục vụ, trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
2. Hãy viết nên một câu chuyện
Mỗi một logo sẽ giúp bạn kể nên một câu chuyện: câu chuyện về doanh nghiệp của bạn, về các giá trị của bạn và về thương hiệu của bạn. Một logo tốt vừa có thể truyền tải một câu chuyện, vừa gợi lên tiếp sau đó cho khách hàng, những cảm xúc khi họ được lắng nghe câu chuyện của bạn : vui vẻ, không âu lo, tin tưởng và vững vàng.
Nhưng tại sao câu chuyện của doanh nghiệp lại quan trọng đối với khách hàng?
Bởi vì người tiêu dùng đã chán ngấy với việc bị các doanh nghiệp xem như những “con bò sữa” giúp doanh nghiệp hái ra tiền. Sự mất lòng tin đối với các doanh nghiệp đã tăng vọt trong những năm gần đây và người tiêu dùng hiện có xu hướng chỉ tin tưởng những nhãn hàng uy tín mà họ đã biết rõ về nó. Do đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn nếu bạn làm cho khách hàng “cảm” được câu chuyện của thương hiệu, thay vì tiếp cận với họ thông qua các sản phẩm và dịch vụ.
Hãy xem các thương hiệu khác nhau kể câu chuyện của họ như thế nào nhé:
Moondust Art Studio truyền tải các khái niệm về sự sáng tạo và đổi mới, vốn là lĩnh vực ưa thích của các nghệ sĩ.
Logo của Smart City Construction mang lại cảm giác tin cậy và ổn định, như thể họ xây dựng các tòa nhà bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất. Đây chính xác là những gì bạn muốn từ một doanh nghiệp để giúp bạn cải tạo một thành phố.
Cuối cùng, màu sắc, tên gọi và biểu tượng của River House mang lại cho chúng ta cảm giác thoải mái và riêng tư, điều mà bất kỳ công ty bất động sản nào cũng nên đảm bảo cho khách hàng khi họ muốn tìm mua căn nhà đầu tiên.
Cũng giống như những thương hiệu này, hãy tìm cách truyền tải câu chuyện của bạn thông qua logo một cách thông minh và tinh tế nhé.
Để đi sâu vào trọng tâm câu chuyện của bạn, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Bạn thành lập doanh nghiệp của mình với mục đích gì?
- Với tư cách là một doanh nghiệp, bạn tin tưởng vào điều gì nhất?
- Bạn muốn giúp ai?
- Điều gì đã làm bạn trở nên đặc biệt?
- Ba tính từ mô tả tốt nhất thương hiệu của bạn là gì?
Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định được câu chuyện về doanh nghiệp cũng như bản sắc thương hiệu của mình, hay nói cách khác, đó chính là cách mà mọi người có thể nhận diện được thương hiệu của bạn thông qua các yếu tố thiết kế, và yếu tố đầu tiên mà chúng ta nói đến ở đây chính là logo.
3. Tìm nguồn cảm hứng
Bạn đã mường tượng được là logo của bạn sẽ trông như thế nào chưa?
Nếu câu trả lời là “chưa”, thì cũng đừng lo lắng. Bây giờ chính là lúc để động não.
Trước bắt đầu thực hiện, hãy thử sáng tạo ra các ý tưởng. Và nếu bạn bị rơi vào trường hợp “bí” ý tưởng, có rất nhiều cách để tìm kiếm nguồn cảm hứng xung quanh ta. Và khi cảm hứng sáng tạo của bạn đã tăng lên, bạn có thể bắt đầu tập trung vào việc định hình mẫu thiết kế cho logo. Có rất nhiều trang web chuyên về lĩnh vực này có thể giúp bạn tìm cảm hứng cho các thiết kế logo của mình, ví dụ như Behance và Dribble (hoặc các nền tảng truyền thông xã hội như Pinterest và Instagram).
Trong khi tham khảo các ý tưởng về mẫu mã, đừng quên rằng việc chọn logo phải gắn liền với câu chuyện và giá trị thương hiệu của bạn. Đây chính là lúc bạn phải tự động não để tạo ra được một logo cho riêng mình.
Rất khó để chúng ta có thể tự đánh giá công việc của mình một cách khách quan, vì vậy đừng ngần ngại để người khác tham gia vào quá trình này. Những người hiểu bạn nhất, như bạn bè và gia đình của bạn, có thể sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng hay ho mà bản thân bạn chưa hề nghĩ ra.
Hãy ghi tất cả ý tưởng của bạn xuống giấy, dù đó có thể là một ý tưởng kỳ quặc. Không có ý tưởng nào là vô nghĩa cả, và các buổi động não tập thể cùng ê kíp có thể sẽ giúp bạn “đả thông” tư tưởng và thu về những ý kiến tốt nhất.
Đọc thêm: 4 bước giúp bạn thiết kế logo đẹp
4. Nổi bật so với đối thủ
Đối thủ cạnh tranh cũng có thể được xem như một nguồn cảm hứng, bởi vì họ sẽ chỉ ra cho bạn loại logo nào là quen thuộc với đối tượng khách hàng mục tiêu, cũng như kiểu dáng, thiết kế nào sẽ tạo ấn tượng được với khách hàng.
Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một vài ý tưởng ở chỗ này chỗ nọ, nhưng đừng bao giờ sao chép chúng. Ngoài việc bị đánh giá là có vấn đề về mặt đạo đức (điều này là hiển nhiên thôi, cũng như việc mọi người đều lên án việc đạo văn hay ăn cắp ý tưởng), việc tạo ra một logo giống hệt logo của đối thủ cạnh tranh sẽ gây bất lợi cho thương hiệu của bạn.
Hãy nhớ rằng, mục tiêu của bạn là tạo ra một logo vừa phù hợp với thị hiếu của khách hàng, vừa phải nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh.
Lấy ví dụ về các logo được trình bày ở trên. Mỗi logo đều có một nét đặc sắc riêng, nhưng tất cả đều truyền tải khái niệm về giáo dục.
Mặc dù có một số điểm chung nhưng mỗi logo lại truyền tải thông điệp khác nhau: Sophia Williams sử dụng biểu tượng quyển sách, Emma chơi chữ bằng cách sử dụng các ký tự toán học và phông chữ của Up Academy thì tạo điểm nhấn vào sự phát triển.
Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, hãy tạo ra một danh mục bao gồm các thiết kế mà bạn quan tâm, sau đó cố gắng tìm hiểu lý do tại sao bạn thích chúng : bạn bị thu hút bởi màu sắc, phông chữ, hình dạng… hay là tổ hợp của tất cả các yếu tố đó?
Tiếp theo, hãy nghĩ về cách bạn có thể thể hiện thông điệp thương hiệu của mình một cách độc đáo, trong khi vẫn thu hút được cùng một tệp khách hàng tương tự như đối thủ cạnh tranh của bạn.
5. Chọn loại logo phù hợp
Bạn có biết rằng có đến 9 kiểu thiết kế logo phổ biến? Đừng lo lắng nếu bạn nghĩ con số ấy là quá nhiều. Về cơ bản, chúng ta có thể phân biệt chúng thành 3 loại : logo dựa trên hình ảnh, logo dựa trên văn bản hoặc logo kết hợp giữa hình ảnh và văn bản.
Lĩnh vực hoạt động, tên công ty và gu thiết kế của bạn, chính là 3 yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến loại logo mà bạn chọn.
Dưới đây là tổng quan ngắn gọn về ba loại logo cơ bản :
Logo dựa trên hình ảnh
Những logo này thường được tạo thành từ một hình ảnh đơn giản, do đó nó dễ đọng lại trong tâm trí, khiến mọi người có thể ghi nhớ dễ dàng. Lý tưởng nhất là hãy chọn một hình ảnh (hoặc biểu tượng) thể hiện được tên của công ty hoặc các sản phẩm / dịch vụ mà công ty cung cấp.
Bạn có thể cân nhắc sử dụng loại logo này nếu bạn muốn được gắn liền với một sản phẩm cụ thể mà bạn cung cấp hoặc một giá trị mà bạn muốn giới thiệu. Lưu ý rằng sẽ mất thời gian để khán giả nhớ tên doanh nghiệp nếu chỉ nhìn vào logo. Vì vậy, việc tiếp thị thương hiệu của bạn có thể lâu hơn và khó khăn hơn.
Ví dụ: McDonald’s, Twitter, Apple.
Logo dựa trên văn bản
Ngược lại với những điều trên, loại logo này không sử dụng bất kỳ hình ảnh nào. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung vào kiểu chữ và màu sắc. Bạn có thể chọn sử dụng tên đầy đủ của công ty, hoặc nếu nó quá dài, hãy sử dụng một chữ viết tắt gồm tối đa ba chữ cái.
Lưu ý rằng, phông chữ là yếu tố rất quan trọng trong thiết kế logo văn bản, vì ánh mắt của khán giả sẽ bị thu hút trước hết bởi các chữ cái, sau đó sẽ là tên gọi của thương hiệu.
Ví dụ: Coca-Cola, FedEx, Uber.
Logo kết hợp giữa hình ảnh và văn bản
Nếu bạn muốn tạo ra một logo hoàn hảo nhất, thì chúng ta có thể kết hợp cả 2 yếu tố nêu trên, đó là cả hình ảnh lẫn chữ cái. Nhờ đó, bạn sẽ tạo ra được một thiết kế linh hoạt hơn, và có nhiều phương tiện hơn để truyền tải thông điệp của thương hiệu đến với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng sự kết hợp của các yếu tố này sẽ giúp bạn viết nên một câu chuyện gắn kết, chứ không phải là chắp vá nhiều thành phần lại nhưng chúng lại không ăn nhập gì với nhau.
Ví dụ: Taco Bell, CVS, Toblerone.
6. Thử các kiểu chữ khác nhau
Bạn có nhớ câu chuyện thương hiệu mà chúng ta đã nói trước đó không?
Kiểu chữ được sử dụng là một phần quan trọng giúp kể nên câu chuyện của bạn (trừ trường hợp bạn chọn một logo hoàn toàn dựa trên hình ảnh).
Mỗi phông chữ đều có nét đặc trưng riêng và có thể được chia thành nhiều “họ”. Các phông chữ phổ biến nhất hay dùng cho logo là serif, sans serif, slab serif và script.
Phông chữ serif (hay còn được gọi là chữ có chân)
Trong kỹ thuật đánh máy, serifs là những nét nhỏ được thêm vào phần bắt đầu hoặc phần cuối trong nét chính của một chữ.
Những phông chữ này thường thanh lịch, sang trọng và tinh tế, chúng truyền tải thông điệp về sự giàu có và tự tin. Đây có lẽ là những phông chữ được biết đến nhiều nhất và được sử dụng nhiều nhất trong thiết kế logo.
Một số thương hiệu nổi tiếng sử dụng phông chữ serif bao gồm Tiffany & Co, Giorgio Armani, Burberry.
Phông chữ sans serif (chữ không chân)
Không giống như những người anh em họ serif, kiểu chữ sans serif không được cách điệu và mang hơi hướng hiện đại hơn, đơn giản hơn, gọn gàng hơn. Do phông sans serif nhấn mạnh vào tính dễ nhìn, dễ đọc, nên chúng thường được sử dụng để truyền tải thông điệp về sự rõ ràng và đổi mới.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng sử dụng phông chữ sans serif cho logo của họ, ví dụ như Google, Facebook và Microsoft.
Phông chữ Slab serif
Slab serif là một phông chữ hiện đại, phá vỡ các quy tắc sẵn có, và sẽ tạo nên sự khác biệt so với 2 kiểu chữ truyền thống là serif và sans serif như đã nêu ở trên.
Đặc trưng của phông chữ này là những nét to và đậm, có chân như hình khối chữ nhật. Điều này sẽ khiến cho logo toát ra sự táo bạo, mạnh mẽ và tự tin, đồng thời truyền tải thông điệp về sự tin cậy và sáng tạo.
Một số thương hiệu nổi tiếng sử dụng phông chữ slab serif trong logo của họ bao gồm Sony, Honda và Volvo.
Phông chữ script
Phông chữ script là loại phông chữ mà các ký tự có hình dạng dựa theo các kiểu chữ viết tay. Đặc trưng của chúng là các đường nét uốn lượn, nhìn vào giống như chữ thư pháp. Những phông chữ này mang tính cá nhân, tự do và nữ tính, được dùng để kể một câu chuyện về sự trang nhã và dạt dào cảm xúc.
Ví dụ về các thương hiệu nổi tiếng sử dụng phông chữ script là Coca-Cola, Ford, Instagram và Pinterest.
7. Chọn màu sắc logo phù hợp
Giống như phông chữ, mỗi một màu sắc đều mang nét độc đáo riêng và truyền tải một thông điệp khác nhau. Mỗi màu sắc mang một “hành trang cảm xúc” nhất định, từ đó gợi ra cho khán giả của bạn những cảm nhận đặc biệt.
Đây là lý do tại sao màu sắc của logo góp phần không nhỏ vào việc truyền tải thông điệp của bạn, bởi vì chúng thể hiện cá tính và bản sắc của thương hiệu của bạn. Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng màu sắc tác động tới tâm lý con người bởi hiệu ứng chúng tạo ra trong tiềm thức mỗi người, từ đó sẽ ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng.
Chúng ta hãy cùng thử phân tích ý nghĩa tâm lý học của các màu sắc nhé :
- Màu đỏ: sự mềm mại, năng lượng, chủ nghĩa lãng mạn, sự ấm áp, tình yêu, sự thoải mái, niềm đam mê.
- Màu cam: năng lượng, sự phấn khích, thịnh vượng, sự ấm áp, sự chơi đùa, sự thay đổi.
- Màu vàng: sự thân thiện, sự vui vẻ, sự trẻ trung, năng lượng, sự tích cực, hạnh phúc.
- Màu xanh lá cây: thiên nhiên, sức khỏe, sự giàu có, sự yên tĩnh, sự hài hòa, sự màu mỡ.
- Màu xanh biển : trí tuệ, lòng trung thành, tâm linh, sự bí ẩn, sự tinh tế, sự tôn trọng.
- Màu tím : tâm linh, sự sang trọng, tính xác thực, sự thật, chất lượng, nội tâm.
- Màu nâu: sự tự nhiên, lòng tin, sự nghiêm túc, sự tự tin, sự an toàn, tình bạn.
- Màu đen: quyền lực, sức mạnh, sự thông minh, sức quyến rũ, sự sang trọng, sự hiện đại.
- Màu trắng: vệ sinh, sự tinh khiết, sự ngây thơ, sự sạch sẽ, sự trong sáng, sức trẻ.
Khi chọn màu sắc, đừng chỉ tập trung vào việc tạo ra sự hài hòa về mặt hình thức: hãy lưu ý đến tác động của màu sắc đến tâm lý của khách hàng và đảm bảo rằng màu sắc đó tương ứng với hoạt động của doanh nghiệp bạn.
Những logo đơn sắc hiện đang rất hiếm trên thị trường, bạn có thể sử dụng nhiều màu sắc để thiết kế logo của mình, điều đó sẽ giúp bạn truyền tải nhiều thông điệp cùng một lúc. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng nó, hai hoặc ba màu là đủ cho một logo. Nếu bạn sử dụng nhiều hơn, thông điệp của bạn có thể bị rối và dễ gây nhầm lẫn.
8. Tạo ra nhiều biến thể
Một khi bạn đã thiết kế được một logo mà theo bạn nghĩ là hoàn hảo rồi, thì hãy thử tạo ra một số biến thể, bằng cách thử nghiệm các phông chữ, biểu tượng tương tự hoặc chơi đùa với các màu sắc khác nhau. Ví dụ: nếu bạn đã chọn kết hợp hình ảnh và văn bản để tạo ra logo, hãy thử thay đổi vị trí của các yếu tố: đặt biểu tượng hình ảnh nằm phía trên tên công ty của bạn, sau đó di chuyển nó sang bên trái. Bạn nghĩ giải pháp nào là tốt nhất? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm cho biểu tượng lớn hơn chút nữa?
Cố gắng tạo ra ít nhất năm phiên bản logo khác nhau, sau đó tham khảo ý kiến của bạn bè và gia đình, bạn sẽ biết được đâu là phiên bản hoàn hảo nhất.
Cuối cùng, hãy tự hỏi liệu thiết kế mà bạn chọn có nắm bắt được toàn bộ câu chuyện về thương hiệu của bạn hay không. Nó có dễ nhớ và độc đáo không? Thông điệp của bạn có được truyền tải tốt không?
Khi bạn đã sẵn sàng cho bài kiểm tra cuối cùng, đã đến lúc …
9. Đặt logo của bạn ở khắp mọi nơi
Một khi đã bắt đầu sử dụng logo của mình, bạn cần đặt nó ở bất cứ nơi nào doanh nghiệp của bạn có mặt : trên trang web công ty, trên danh thiếp của bạn… và hãy đảm bảo rằng logo đó trông thật chuyên nghiệp và rõ ràng.
Kiểm tra và xem trước logo của bạn trên các nền tảng khác nhau như trang web, tài liệu kinh doanh, giấy tiêu đề… trước khi khởi chạy nó. Bạn thậm chí có thể đăng nó trên các trang truyền thông xã hội của mình để kiểm tra phản ứng của các khách hàng mục tiêu.
Và nếu bạn vẫn còn nghi ngờ, trước khi bắt đầu in, bạn có thể sử dụng phần mềm cho phép tạo ra các mô hình mockup (hình ảnh mô phỏng) để ướm thử mẫu logo vào trong các bối cảnh cụ thể, từ đó bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan và thực tế về tính hiệu quả của logo.
Hãy nhớ rằng logo của bạn cần phải kể cùng một câu chuyện trên tất cả các phương tiện. Vì vậy, bạn cần đảm bảo rằng bạn thích giao diện của nó trước khi quyết định đồng hành lâu dài với nó.
Đến lúc bạn bắt tay vào thực hiện rồi đấy !
Việc tạo ra một logo sẽ mất nhiều thời gian, nhưng khi bạn đã hoàn thành thiết kế cuối cùng, bạn có thể sử dụng nó làm nền tảng cho tất cả các tài liệu giúp xây dựng thương hiệu trong tương lai : danh thiếp, bài giới thiệu, catalogue, và dĩ nhiên, cả trang web của bạn nữa.
Hãy nhớ rằng, logo của bạn không chỉ giới hạn ở màu sắc, phông chữ và hình dạng. Vì vậy, thiết kế cuối cùng, ngoài việc trông thật bắt mắt, nó còn phải nói lên được con người bạn và truyền tải hình ảnh thương hiệu mà bạn muốn xây dựng.